Những ngày đầu năm 2021, vùng sản xuất chuyên canh cà rốt huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã cho vụ mùa bội thu.
Người dân thu hoạch cà rốt tại ruộng.
Cà rốt không chỉ được thương lái mua với giá cao mà năng suất trên một sào cũng cao hơn những năm trước. Năm nay, những ruộng cà rốt được thương lái đến tận nơi thu mua, thu hoạch sơ chế và vận chuyển đi xuất khẩu. Theo ước tính của huyện Cẩm Giàng, 75% sản lượng cà rốt được xuất khẩu sang các nước Tây Á, châu Á, Malaysia. Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Đức Chính huyện Cẩm Giàng cho biết: Vụ sản xuất cà rốt năm 2020-2021 của xã Đức Chính được đánh giá là thời tiết thuận lợi, năng suất của cà rốt chưa năm nào cao như năm nay, sản lượng đạt từ 1,8 – 2 tấn/sào.
Đây là lần đầu tiên giá cà rốt cao gấp đôi so với năm ngoái. Trung bình 1 kg cà rốt người dân bán tại ruộng với giá từ 7.000 – 8.000 đồng. Toàn xã có tổng diện tích trồng cà rốt là 360 ha, tổng sản lượng ước tính là 16.000 tấn. Vụ này xã Đức Chính thắng lợi về cây vụ đông mà chủ yếu là cây cà rốt.
Có được năng suất và sản lượng như trên là từ nhiều năm nay, người dân trong xã được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức JICA, KNC của Hàn Quốc tập huấn từ khâu gieo trồng, chăm sóc cũng như tưới tự động để đảm bảo cho cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đến thời điểm này về cơ bản người dân trồng cà rốt đã biết trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn, các sản phẩm đều được kiểm tra và đánh giá là an toàn chưa có mẫu nhiễm vi khuẩn cũng như là không đảm bảo an toàn theo quy định. Phần lớn các đơn vị nhập khẩu nước ngoài đều đánh giá sản phẩm cà rốt của Đức Chính và Cẩm Văn là hai vùng sản xuất chuyên canh cà rốt lớn nhất của huyện là đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật Bản và Hàn Quốc.Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn, hiện nay huyện Cẩm Giàng đã xây dựng được những vùng sản xuất cà rốt tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP ở hai xã Đức Chính và Cẩm Văn. So sánh với trồng lúa thì trồng cà rốt giá trị thu nhập cao hơn 20 lần. Đây là vùng sản xuất cây rau màu được quy hoạch là vùng sản xuất tập trung có giá trị kinh tế cao.
Những năm qua, huyện đã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho vùng chuyên canh như hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng và hệ thống tưới tiết kiệm tiên tiến trong sản xuất trị giá khoảng 30 tỷ đồng. Ngoài ra, để bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch, huyện đã tận dụng nguồn vốn vay ODA để hỗ trợ cho các hộ thu mua đầu tư kho lạnh để bảo quản sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng chia sẻ: “Để sản phẩm cà rốt đáp ứng được yêu cầu về chất lượng trong nước và xuất khẩu, chúng tôi cùng với người dân đã áp dụng tất cả các quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã thường xuyên mở các lớp tập huấn để tuyên truyền tới các hộ gia đình về cách thức phương pháp, biện pháp để sản xuất ra sản phẩm an toàn, đem lại giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Chúng tôi đã vận động người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trong đó có áp dụng hệ thống tưới tiên tiến tự động vừa tiết kiệm được nước, điều tiết lượng nước tưới cũng như kiểm soát chất lượng nước tưới trong sản xuất”.
Để sản phẩm cà rốt được nhiều người biết đến, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã mở nhiều đợt xúc tiến thương mại trong cả nước và các nước có nhu cầu cao về sản phẩm cà rốt. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước và các siêu thị đã biết đến và tiêu thụ sản phẩm cà rốt an toàn của huyện. Với năng suất và sản lượng năm nay, một sào người dân thu hoạch cà rốt đạt từ 14 – 16 triệu đồng/sào. Nhiều nhà có diện tích trồng cà rốt rộng khoảng 2 ha đã cho thu nhập gần 1 tỷ đồng. Sản xuất cà rốt đã trở thành thế mạnh cho thu nhập cao của người dân xã Đức Chính và Cẩm Văn huyện Cẩm Giàng. Từ sản phẩm chủ lực và truyền thống của địa phương đến nay, cà rốt đã trở thành sản phẩm kinh tế mũi nhọn góp phần xóa đói giảm nghèo người nông dân Cẩm Giàng.